

Từ lâu, câu thơ của Bác Hồ đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim con người Việt Nam, kể từ đó cho tới nay, đã thành một truyền thống tốt đẹp, mỗi dịp Xuân về là “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân ta trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định rằng, phong trào “Tết trồng cây” góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Như vậy có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. “Tết trồng cây” là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong không khí vui tươi phấn khởi của những ngày đầu xuân năm mới, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới. Trường MN Pá Vạt phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng xuân Ất Tỵ năm 2025 tới cán bộ giáo viên, nhân viên và các bậc phụ huynh trong nhà trường. Trong buổi trồng cây của trường có các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Hưởng ứng phong trào " Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ " các bé lớp mẫu giáo ghép Pá Pao đã tích cực hưởng ứng tham gia. Ngay sau khi phát động, ngay trong ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các bé đã được bố mẹ chuẩn bị cho những cây xanh, cây hoa, hạt giống … mang đến trường. Với những hạt giống nhỏ được bố mẹ chuẩn bị từ nhà cùng những hạt giống của cô giáo lì xì, các con đã hứng thú tham gia trải nghiệm làm đất, trồng và ươm cây. Các con đã biết làm đất tơi xốp, khéo léo chia từng hạt giống vào trong chậu rồi vun nhẹ một lớp đất, tưới thêm chút nước cho ẩm để cây nảy mầm. Không chỉ ươm hạt giống, trồng cây, các con còn tham gia hoạt động chăm sóc lau lá cây, giúp trẻ thêm yêu thiên nhiên, quý trọng lao động.
Với trẻ mầm non, trồng cây đơn giản chỉ là những hoạt động rất nhỏ bé như: lau lá, tưới nước cho cây, "tập làm vườn", "tập trồng cây" với những dụng cụ đồ chơi,…nhưng thông qua hoạt động nhỏ bé ấy, chúng ta sẽ giúp trẻ biết yêu cây xanh, chăm sóc và bảo vệ cây, biết quan tâm đến môi trường thiên nhiên và hiểu được tác dụng của cây xanh đối với cuộc sống con người.
Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, không những giúp cho môi trường lớp học thêm xanh - sạch - đẹp, khoác lên mình chiếc áo xanh mát cho toàn bộ khuôn viên của trường, mà còn tạo cơ hội cho các con được trải nghiệm những điều đã học, đã nghe về cách chăm sóc và bảo vệ cây, được thể hiện tình yêu với thiên nhiên và ý thức trách nhiệm của mình với môi trường. Thông qua hoạt động bổ ích này, cha mẹ, cô giáo và các bạn nhỏ càng thêm yêu thương, gắn bó và hiểu nhau hơn. Cũng chính điều đó đã làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa của “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”.