
Các hoạt động chơi của trẻ chủ yếu dựa vào hứng thú khám phá cũng như nhu cầu bắt chước, mong muốn trở thành người lớn của trẻ. Trẻ tham gia vào xã hội người lớn theo cách riêng của mình và tái tạo lại cuộc sống, thế giới muôn màu qua trí tưởng tượng.
Bên cạnh đó, mặc dù hoạt động chơi ở các góc là hoạt động của trẻ nhưng vẫn cần có sự tổ chức, hướng dẫn của cô giáo. Vì vậy, mỗi cô giáo trường Mầm non Pá Vạt luôn quan tâm tới đặc điểm tâm lý của trẻ. Cô giáo đóng vai trò là người bạn lớn của trẻ trong suốt quá trình trẻ chơi.
Tại lớp Mẫu giáo lớn 5-6 tuổi Trung tâm lớp tôi phụ trách hàng ngày trẻ được tham gia vào các góc chơi ở lớp như: Góc phân vai, góc sách truyện, góc xây dựng, góc học tập, góc thiên nhiên, khám phá, góc nghệ thuật...
+ Góc phân vai: Trẻ tưởng tượng và giả vờ đóng vai cha mẹ, con cái, các mối quan hệ trong gia đình… Thông qua đó, trẻ được thử nghiệm việc ra quyết định về cách cư xử và cũng như thực hành các kỹ năng xã hội cần thiết.
+ Góc xây dựng: Trẻ đóng vai các chú công nhân, thợ xây dựng… và cùng hợp tác với nhau để thực hiện một công việc được giao.
+ Góc sách truyện: Ở giai đoạn mầm non có thể trẻ chưa nắm được các con chữ trong sách nhưng có thể xem và hiểu hình ảnh. Việc xây dựng góc đọc sách, học tập sẽ tạo cho trẻ một thói quen tốt theo trẻ cho đến khi trưởng thành. Trẻ có thể nhập vai vào nhân vật trong truyện để có thể kể một câu chuyện theo sáng tác rất riêng của mình.
+ Góc khoa học: Với các học cụ mang tính gợi mở, trẻ được tái tạo lại những gì đã được cô dạy, từ đó tư duy trừu tượng phát triển kèm theo tư duy logic, tư duy ngôn ngữ cũng được mở rộng. Việc ghi nhớ những kiến thức thông qua hoạt động chơi bổ ích sẽ tạo thành thói quen ghi nhớ, từ đó giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo nhiều hơn.
+ Góc Nghệ thuật: Đây được coi là một nơi mà trẻ có thể thỏa sức sáng tạo, khám phá và trải nghiệm bản thân qua nghệ thuật. Sáng tạo là không giới hạn, trẻ có thể tự mình sáng tạo theo ý tưởng của mình mong muốn.
Như vậy, qua giờ hoạt động góc, trẻ được mở rộng các mối quan hệ xã hội. Hoạt động góc trở thành phương tiện để giáo dục trẻ phát triển tình cảm xã hội thẩm mỹ, thể chất, ngôn ngữ, nhận thức và là phương tiện không thể thiếu nhằm phát triển toàn diện nhân cách và trí tuệ cho trẻ ở trường mầm non.