
Chúng ta thấy rằng giáo dục phát triển thẩm mỹ cho trẻ lứa tuổi mầm non là vô cùng quan trọng, đây là thời kỳ trẻ nhạy cảm với những “cái đẹp”, là thời kỳ phát cảm những xúc cảm thẩm mỹ - những xúc cảm tích cực, dễ chịu được nảy sinh khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với “cái đẹp” được thực hiện thông qua nhiều hình thức hoạt động đa dạng, trong đó hoạt động tạo hình là một trong những hoạt động đặc trưng gần gũi và hấp dẫn đối với trẻ. Hoạt động tạo hình bao gồm: vẽ, nặn, xé, cắt dán, xếp hình, hoạt động xé dán là một phần quan trọng trong hoạt động tạo hình giúp trẻ mở rộng hiểu biết, phát triển khả năng tri giác, hình thành ở trẻ khả năng tư duy, phát triển xúc cảm, tình cảm, nhân cách, trí tuệ, sự khéo léo, tính kiên trì, đặc biệt là phát triển thẩm mĩ nghệ thuật. Qua đó mà trẻ biết yêu và tôn trọng cái đẹp, biết tạo ra cái đẹp.
Trong giờ hoạt động tạo hình của lớp mẫu giáo ghép 3-4-5 tuổi Na Pục trẻ ham thích được hoạt động tạo hình là việc sử dụng bút màu để vẽ, tô màu để tạo thành sản phẩm theo ý của trẻ, dùng giấy để xé, dán…theo ý của trẻ và theo hướng dẫn của cô để tạo ra một sản phẩm mà trẻ thích. Để thực hiện tiết học tạo hình cô và trẻ đã cùng nhau chuẩn bị đồ dùng đầy đủ trước khi bước vào giờ học, cô sắp xếp cho trẻ nhỏ 3,4 tuổi ngồi vào bàn, và trẻ lớn 5 tuổi cùng cô chuẩn bị giấy vẽ, bút sáp màu cho các bạn. Trong mỗi giờ học trẻ luôn chú ý, hứng thú tham gia vào hoạt động.
Vì là lớp ghép với trẻ ở ba độ tuổi khác nhau nên sự tiếp thu bài học và việc thực hiện bài vẽ trong giờ học tạo hình không đồng đều. Với trẻ nhỏ 3 tuổi khả năng tư duy và cảm nhận cái đẹp ở trẻ còn hạn hẹp, để trẻ có thể hoàn thành bài làm của mình cô có thể cầm tay trẻ để vẽ, trẻ 4,5 tuổi nhận thức nhanh hơn cô chỉ cho trẻ cách vẽ hay cô hướng dẫn, gợi ý để trẻ vẽ theo hướng dẫn của cô. Với hoạt động xé dán, ở trẻ 3 tuổi cô cầm tay trẻ để xé, hướng dẫn trẻ cách phết hồ, dán tranh. Với trẻ 4,5 tuổi cô gợi ý để trẻ xé, cách phết hồ, dán tranh đúng với bố cục hài hòa và hợp lý.
Qua giờ học nhờ sự giúp đỡ của cô giáo mà trẻ rất tích cực để hoàn thiện bài vẽ của mình. Chính từ các sản phẩm trẻ tạo ra, trẻ đặt tên gọi và tưởng tượng ra những gì trẻ thích, từ đó làm nảy sinh tình cảm yêu cái đẹp, hướng tới cái đẹp ở trẻ.
Qua hoạt động tạo hình giúp trẻ phát triển tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ, giúp cho đôi bàn tay của trẻ linh hoạt, phát triển khả năng kết hợp khéo léo của đôi tay và đôi mắt. Trẻ tạo ra sản phẩm tạo hình muốn giới thiệu về hoạt động đó, qua đó làm tăng thêm vốn từ và ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ. Trong giờ học của trẻ khi trẻ thực hiện tốt hoạt động tạo hình, sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển toàn diện cho trẻ, giúp trẻ hình thành các đức tính tốt như: yêu cái đẹp và mong muốn tạo ra cái đẹp, rèn ở trẻ tính khéo léo, sự kiên trì, sáng tạo, tính ham học hỏi, là tiền đề cho trẻ 5 tuổi bước lên lớp một.